Theo công văn của Ban Chỉ đạo Chính phủ, UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Cụ thể, việc lấy ý kiến sẽ được thực hiện tại các địa phương có liên quan đến sáp nhập và những xã bị ảnh hưởng trực tiếp.
Nghe qua tưởng như dân chủ, nhưng thực tế lại phản ánh một màn kịch dối trá và nhố nhăng quen thuộc. Một người dân ở Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi ở tỉnh Đồng Tháp, thấy báo đài nói là đã triển khai phát phiếu lấy ý kiến nhân dân. Nhưng đến giờ, gia đình tôi và các hộ xung quanh chưa thấy ai phát phiếu cả.” Và đây không phải là trường hợp cá biệt—mà là trải nghiệm chung của rất nhiều người dân trên khắp cả nước.
Sự việc này tiếp tục cho thấy sự lấp liếm, mị dân của bộ máy tuyên giáo và hệ thống truyền thông nhà nước. Truyền hình, báo chí rầm rộ thông báo việc “lấy ý kiến nhân dân”, trong khi thực tế, người dân thậm chí không được biết nội dung đề án, chưa nói đến việc được tham gia hay phản biện.
Hài hước thay, trước đó chính phủ đã có công văn chốt danh sách các tỉnh thành sẽ sáp nhập. Vậy thì giờ hỏi ý kiến dân để làm gì? Nếu người dân không đồng ý, liệu có thay đổi được quyết định nào không? Hay chỉ là một thủ tục để hợp thức hóa một chủ trương đã được quyết định từ trước? Một trò hề chính trị nhưng vẫn được lặp đi lặp lại, rồi vài ngày sau báo đài sẽ đưa tin “99,99% người dân đồng thuận”, hoàn thành mỹ mãn khẩu hiệu “ý Đảng – lòng dân”.
Sự thật là, chẳng có một ý kiến nào từ nhân dân được lắng nghe hay tiếp thu một cách nghiêm túc. Cái gọi là “lấy ý kiến” thực chất chỉ là công cụ để hợp thức hóa “tỷ lệ vàng” trong thiên đường XHCN—nơi mọi thứ đã được quyết định sẵn, và nhân dân chỉ tồn tại như một con số trang trí trong báo cáo.
Linh Linh